Sáng 25/10, HĐXX đã tuyên án các bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang sau nhiều ngày xét xử.
Các bị cáo tại phiên toà xét xử gian lận điểm thi ở Hà Giang
Sửa 309 bài thi cho 107 thí sinh
Sáng 25/10, sau nhiều ngày xét xử và nghị án, TAND tỉnh Hà Giang đã tuyên án đối với 5 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 xảy ra tại tỉnh này.
Theo đó, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (cựu trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Sở GD& ĐT Hà Giang) 8 năm tù và Vũ Trọng Lương (cựu phó phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) 7 năm tù cùng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.
Hai bị cáo Triệu Thị Chính, cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang và Lê Thị Dung, cựu cán bộ công an tỉnh Hà Giang cùng bị tuyên phạt 2 năm tù. Còn bị cáo Phạm Văn Khuông, cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang bị tuyên một năm tù nhưng cho hưởng án treo.
HĐXX nhận định Nguyễn Thanh Hoài là người chủ động đặt vấn đề với Vũ Trọng Lương về việc nâng điểm thi trắc nghiệm cho các thí sinh. Khi Lương đồng ý, Hoài đã đưa cho cấp dưới danh sách 93 thí sinh được “đặt hàng”. Hoài là người giữ vai trò chủ mưu.
Về phía mình, ngoài nhận danh sách từ Hoài, Lương còn trực tiếp nhận giúp nâng điểm cho 14 thí sinh là người thân, bạn bè của bị cáo. Kết quả điều tra cho thấy một mình Lương thao tác trên máy tính để sửa 309 bài thi cho 107 thí sinh.
Hành vi phạm tội của hai bị can câu kết chặt chẽ với nhau. Nếu Hoài không đưa danh sách thí sinh, không đưa chìa khóa phòng giữ bài thi và nếu Lương không nhận lời, không sửa đáp án bài thi trắc nghiệm thì hậu quả vụ án đã không xảy ra.
Không thu được tiền mặt nên không có hành vi đưa, nhận hối lộ
HĐXX xác định động cơ phạm tội của hai bị cáo là do nể nang bạn bè, người thân. Quá trình điều tra, cơ quan công an đã khám xét nơi ở của hai bị can, thu giữ nhiều tang vật, trích sao kê tài khoản ngân hàng nhưng không thu giữ được tiền, tài sản để chứng minh các bị cáo phạm tội đưa, nhận hối lộ.
Đối với Phạm Văn Khuông, bị cáo này đã nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm cho con, kết quả thí sinh này được nâng 13,3 điểm. Tại tòa, bị cáo Khuông thừa nhận hành vi phạm tội, thành khẩn khai báo.
Đối với Lê Thị Dung, bị cáo đã lợi dụng mối quan hệ công tác thường xuyên giữa Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang và Sở GD&ĐT để đã nhờ Hoài sửa điểm thi cho 20 thí sinh.
Về phía bị cáo Triệu Thị Chính đã đưa danh sách 13 thí sinh gồm con, cháu nhiều lãnh đạo tỉnh Hà Giang cho Nguyễn Thanh Hoài. Giai đoạn điều tra và tại tòa, bị cáo cùng luật sư bào chữa đều cho rằng mình không phạm tội vì chỉ nhờ xem điểm, không nhờ nâng điểm.
Tuy nhiên, tại biên bản làm việc với Đoàn thanh tra Bộ GĐ&ĐT ngày 16/7/2018, bị cáo đã thừa nhận việc nhờ Hoài xem xét, nâng điểm Ngữ văn cho từng thí sinh. Các kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an cũng cho thấy điều này.
Cùng với đó, nhiều phụ huynh thí sinh có mặt tại tòa thừa nhận họ đã nhờ bị cáo nâng điểm cho con mình nhưng kết quả không được nâng. Do đó, quan điểm cho rằng bị cáo Chính không phạm tội là không có căn cứ.
Nguồn: Báo Giao thông