logo DEPROS LAW FIRM

Tình hình bảo hộ chỉ dẫn địa lý năm 2021

2022-02-10 18:09:40

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, song hoạt động bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam trong năm 2021 vẫn đạt được nhiều kết quả nổi bật, bao gồm sự cải thiện về cơ cấu sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong nước và bảo hộ thành công hai chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Tỉ lệ sản phẩm chế biến tăng

Năm 2021, Cục SHTT tiếp nhận 10 đơn đăng ký, 02 đơn yêu cầu sửa đổi giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và cấp 12 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, trong đó có 01 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài. Khác với những năm trước đây, các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý trong năm 2021 đa dạng hơn về chủng loại; trong đó sản phẩm thủy hải sản chiếm ưu thế với tỷ lệ 41,7% (bao gồm cua biển Bến Tre, tôm càng xanh Bến Tre, cá bỗng Hà Giang, tôm sú Cà Mau và ốc hương Khánh Hòa); các sản phẩm chế biến chiếm tỷ lệ 33,3% (bao gồm chè shan tuyết Na Hang, miến dong Bắc Kạn, tiêu Đắk Nông và chè shan Phình Hồ); 16,7% còn lại là hoa quả và dược liệu (bao gồm bưởi Soi Hà và sâm nam Núi Dành).

Đặc biệt, năm 2021, Việt Nam bảo hộ thêm 01 chỉ dẫn địa lý cho Nhật Bản với sản phẩm quả hồng sấy khô Ichida, đây là một trong những kết quả thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản về cam kết thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý của hai nước.

Trong số đó, phần lớn các tổ chức nộp đơn đăng ký và quản lý các chỉ dẫn địa lý vẫn là các cơ quan nhà nước, bao gồm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ (10/12 chỉ dẫn địa lý). Chỉ có 01/12 chỉ dẫn địa lý do hội nghề nghiệp nộp đơn và quản lý (chỉ dẫn địa lý ốc hương Khánh Hòa  của Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa).

Hai nông sản đầu tiên được bảo hộ tại Nhật Bản

Với những nỗ lực trong  thúc đẩy đăng ký chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài, vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận lần lượt trở thành những sản phẩm đầu tiên được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công tại Nhật Bản. Trong mùa vải năm 2021, tổng sản lượng vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu sang Nhật Bản đạt khoảng 1000 tấn. . Mặc dù số lượng chưa nhiều, song sự chấp thuận của những thị trường tiêu chuẩn cao như Nhật Bản đã góp phần khẳng định chất lượng và mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, hướng đến mục tiêu đa dạng hóa thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm. Để tiếp tục phát huy những kết quả này, Bộ KH&CN và Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT đã ký kết kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam vào cuối năm 2021.

Vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản được bình chọn thuộc top 10 sự kiện khoa học và công nghệ 2021

Vải thiều Lục Ngạn

Để góp phần đưa những lợi ích về bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại EU trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) trở thành hiện thực, trong năm 2021, đại diện Cục SHTT đã tham gia phiên họp đầu tiên của Nhóm làm việc về SHTT, bao gồm về chỉ dẫn địa lý trong khuôn khổ Hiệp định. Hai bên đã trao đổi, cập nhật về các thay đổi trong xây dựng chính sách và pháp luật liên quan đến chỉ dẫn địa lý.

Hỗ trợ quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý mới mở ra cánh cửa đầu tiên cho tiêu thụ và gia tăng giá trị chuỗi nông sản. Việc tăng cường kiểm soát chất lượng là điều cần thiết để phát huy giá trị của những sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhất là trong bối cảnh tiêu chuẩn của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu ngày càng cao.

Điều này sẽ đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên khác nhau. Trong đó, những đối tượng gắn bó với việc sử dụng chỉ dẫn địa lý trong thực tế như các nhà sản xuất, hội kinh doanh,… sẽ trực tiếp thực hiện các hoạt động quản lý nội bộ. Ngoài ra, Nhà nước sẽ đóng vai trò điều phối chung trong hoạt động quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý.

Để các bên chủ động hơn, cần cụ thể hóa quy định trao quyền quản lý cho tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. Ngoài ra, các chính sách cần tập trung nâng cao năng lực cho các tổ chức tập thể, các tổ chức đại diện cho cộng đồng dân cư, các nhà kinh doanh,… chứ không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ đăng ký bảo hộ. Đồng thời, cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành có liên quan đến quá trình sản xuất và thương mại các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

Năm 2021 cũng là năm biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, trở thành công cụ kiểm soát, dấu hiệu nhận diện cho người tiêu dùng, công cụ quảng bá sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Nguồn: NOIP

Cùng chuyên mục

0888135727