Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8 vừa qua, với các cam kết về sở hữu trí tuệ (SHTT) cao hơn so với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết trước đây. Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu bảo hộ của các chủ thể quyền SHTT. Hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai các kế hoạch thực hiện những cam kết về SHTT trong Hiệp định EVFTA.
Ông Ðinh Hữu Phí, Cục trưởng Sở hữu trí tuệ cho biết, Chương Sở hữu trí tuệ trong Hiệp định EVFTA gồm các cam kết về nguyên tắc bảo hộ quyền SHTT, phạm vi quyền SHTT, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thông tin bí mật, giống cây trồng, vấn đề cạn quyền và thực thi quyền SHTT. Phần lớn các cam kết về SHTT trong Hiệp định phù hợp pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, Hiệp định đặt ra một số tiêu chuẩn cao hơn pháp luật Việt Nam, trong đó có thể kể đến như bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của châu Âu với mức độ bảo hộ cao, như mức mà pháp luật Việt Nam đang bảo hộ cho chỉ dẫn địa lý rượu vang và rượu mạnh. Ngoài ra, phải có cơ chế đền bù thỏa đáng cho chủ sở hữu sáng chế là dược phẩm khi cơ quan nhà nước chậm trễ cấp phép lưu hành dược phẩm đó. Các nghĩa vụ bảo hộ ở mức cao này đang được áp dụng trực tiếp theo Nghị quyết số 102/2020/QH14 của Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA và sẽ được nội luật hóa trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT, đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2021, thông qua vào tháng 6-2022.
Bưởi Phúc Trạch là một trong 39 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại châu Âu. Nguồn ảnh: Sưu tầm
Việc thi hành các nghĩa vụ theo Hiệp định sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp Việt Nam có thể xác lập và bảo vệ thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo một cách dễ dàng, hiệu quả hơn, từ sáng tạo đổi mới công nghệ, mẫu mã, bao bì đến nhãn hiệu sản phẩm và dịch vụ. Ðiều này sẽ có nhiều tác động tích cực đến hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài cũng như thương mại của Việt Nam.
Một trong những nội dung nổi bật của Hiệp định EVFTA là 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ ở châu Âu với tiêu chuẩn cao và không phải qua thủ tục đăng ký SHTT ở nước sở tại. Phần lớn trong số đó là nông sản: vải Thanh Hà, vải Lục Ngạn, hồng Bắc Kạn, hồng Bảo Lâm, cam Cao Phong, cam Vinh, bưởi Tân Triều, bưởi Phúc Trạch… Ðể đẩy mạnh hoạt động thương mại cho nông sản Việt Nam, nhiều năm qua, Cục SHTT đã phối hợp một số cơ quan, nhất là các đơn vị thuộc Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý cho các địa phương. Trong khuôn khổ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020, năm vừa qua, chương trình đã hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn địa lý, kiểm soát nguồn gốc, quản lý chất lượng và khai thác, phát triển quyền SHTT sau khi được bảo hộ cho 20 sản phẩm chủ lực, đặc thù của các địa phương, như: cam Cao Phong, tôm sú Cà Mau, chuối ngự Ðại Hoàng, dầu tràm Huế, gạo Ðiện Biên, gạo Séng Cù...
Hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp các bộ, ngành liên quan họp Ban soạn thảo Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT. Thực hiện Quyết định số 1201/QÐ-TTg ngày 6-8-2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA, Cục SHTT đang xây dựng để trình Bộ trưởng ban hành kế hoạch của Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai nội dung SHTT trong EVFTA. Bên cạnh đó, chủ động đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến thông tin về SHTT trong Hiệp định EVFTA cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thông qua hội thảo, tọa đàm, các hoạt động truyền thông.
Tuy nhiên, theo ông Ðinh Hữu Phí, để khai thác hiệu quả thị trường châu Âu, tận dụng cơ hội về mở cửa thị trường mà Hiệp định EVFTA mang lại, cần sự quan tâm sát sao hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương và nhất là của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần chủ động và tích cực hơn trong việc tìm hiểu quy định hàng rào kỹ thuật trong thương mại của châu Âu nhằm bảo đảm sản phẩm có thể vượt qua được những tiêu chuẩn đó để vào thị trường châu Âu. Ðồng thời, doanh nghiệp cần không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm. Tin rằng, với môi trường kinh doanh ngày càng tốt lên, trong đó có sự tin tưởng ngày càng cao của các đối tác nước ngoài về bảo hộ các tài sản trí tuệ tại Việt Nam và việc đáp ứng các điều kiện của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, chúng ta sẽ thu hút được các nguồn vốn FDI chất lượng cao, doanh nghiệp có thể tiếp nhận chuyển giao các công nghệ tiên tiến từ châu Âu để nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của mình.
Nguồn: Nguyễn Hà - Nhandan.com.vn