Sở hữu trí tuệ là gì? Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm những quyền nào và những hành vi nào là hành vi vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ phổ biến? Tất cả những vấn đề này đều rất quan trọng nhưng không phải ai cũng biết. Vậy hãy cùng tìm hiểu chi tiết sau đây!
Sở hữu trí tuệ là những tài sản trí tuệ, là các sản phẩm được tạo ra bởi trí tuệ và bộ óc của con người. Các sản phẩm đó có thể là tác phẩm nghệ thuật, tác phẩm văn học, phần mềm máy tính, các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp…
Quyền sở hữu trí tuệ là quyền sở hữu đối với các tác phẩm của lao động trí óc và tinh thần, bao gồm 3 nhóm:
– Nhóm quyền tác giả và các quyền liên quan: Đối tượng của nhóm này là các sáng tác văn học, khoa học và nghệ thuật. Ngoài ra các đối tượng liên quan đến quyền tác giả là các chương trình biểu diễn, các bản ghi âm ghi hình…
– Nhóm quyền sở hữu công nghiệp: Đối tượng của nhóm này là các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý hoặc các thiết kế mạch tích hợp bán dẫn…
– Nhóm quyền sở hữu giống cây trồng: Đối tượng của nhóm này là vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch.
Có thể thấy hiện nay tại Việt Nam, những vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ phổ biến nhất là vi phạm quyền sở hữu công nghiệp.
– Kiểu dáng công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm và được thể hiện bằng các hình khối, hoa văn, đường nét, màu sắc.
Hiện nay không chỉ trên thị trường Việt Nam mà còn cả thị trường thế giới, hành vi vi phạm kiểu dáng công nghiệp phổ biến nhất là ngành hàng thời trang. Chẳng hạn như các hãng túi xách như Charles Kate, Chanel, Michael Kors, Hermes… khi tung ra thị trường một mẫu sản phẩm mới thì không lâu sau đó sẽ có những chiếc túi có kiểu dáng giống lên đến 90% ra đời. Trong ngành hàng công nghệ cũng vậy. Nhất là Trung Quốc thường xuyên sản xuất và tung ra thị trường các sản phẩm có thiết kế tương tự hãng nổi tiếng với giá rẻ hơn rất nhiều.
Vì vậy các doanh nghiệp nổi tiếng đều phải đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ để ngăn chặn tình trạng các đối tượng có hành vi đạo nhái kiểu dáng thiết kế của mình.
– Nhãn hiệu
Nhãn hiệu là các dấu hiệu trên sản phẩm và bao bì sản phẩm, dịch vụ nhằm phân biệt sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của với các doanh nghiệp khác. Tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu cũng khá phổ biến, nhất là trong ngành thực phẩm. Tiêu biểu gần đây là sự kiện tranh chấp giữa nhãn hiệu mì Hảo Hảo và mì Hảo Hạng. Trong đó mì Hảo Hảo đã có từ rất lâu và hầu như người tiêu dùng Việt Nam đều biết đến. Mì Hảo Hạng đã sử dụng bao bì gần giống với bao bì của Hảo Hảo đã xảy ra tranh chấp.
Để bảo vệ nhãn hiệu cho chính mình, các doanh nghiệp cũng phải thực hiện đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ. Nhãn hiệu sẽ được phép đăng ký nếu đáp ứng các điều kiện sau:
+ Các dấu hiệu được thể hiện dưới dạng chữ cái, chữ số, từ ngữ, hình ảnh, hình vẽ hoặc kết hợp các yếu tố trên và được thể hiện với một hay nhiều màu sắc.
+ Nhãn hiệu có khả năng phân biệt giữa sản phầm hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu này với chủ sở hữu khác cùng ngành.
– Tên thương mại
Bên cạnh kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu thì hành vi vi phạm tên thương mại cũng rất phổ biến.
Tên thương mại là tên gọi của tổ chức doanh nghiệp hoặc các nhân trong kinh doanh để phân biệt các chủ thể kinh doanh cùng ngành. Một sự kiện vi phạm tên thương mại lớn nhất tại Việt Nam là giữa Vincom và Vincon. Trong đó Vincom là một hệ thống trung tâm thương mại của tập đoàn Vingroup.
Thông thường khi vi phạm 1 trong 3 quyền sở hữu trí tuệ này thì sẽ đồng thời vi phạm 2 quyền còn lại bởi một sản phẩm khi cho ra thị trường sẽ bao gồm hình dáng, tên của đơn vị sản xuất và nhãn hiệu trên bao bì.
Do đó bất kỳ doanh nghiệp, tổ chức cá nhân nào trong kinh doanh cũng cần phải đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho cả kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và tên thương mại.
Nguồn: https://thuonghieudocquyen.vn/nhung-vi-pham-quyen-huu-tri-tue-pho-bien.html