logo DEPROS LAW FIRM

Còn nhiều mối lo về thực thi quyền sở hữu trí tuệ

2019-01-13 09:50:06

Tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn diễn ra khá phổ biến; xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu quyền, ảnh hưởng tới hoạt động sáng tạo.

Ngày 18/4, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) tổ chức tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam và vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Bộ Luật hình sự (sửa đổi). 

Đánh giá tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, Việt Nam đã và đang hoàn thiện các khung khổ pháp luật và tạo hành lang pháp lý đầy đủ để giúp các doanh nghiệp, người dân thực thi quyền, nghĩa vụ liên quan đến sở hữu trí tuệ, thông qua việc ban hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009... 

Bên cạnh các luật chuyên ngành quy định riêng về sở hữu trí tuệ thì quyền sở hữu trí tuệ còn được quy định bổ sung trong các luật khác như Bộ Luật dân sự hay Bộ Luật hình sự. 

Cùng với việc hoàn thiện các khung khổ pháp lý về sở hữu trí tuệ, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về quyền và nghĩa vụ liên quan đến sở hữu trí tuệ cũng ngày càng được nâng cao. Các doanh nghiệp đã dành nhiều quan tâm tới việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thông qua đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, ông Phòng khẳng định. 

Theo báo cáo thường niên Hoạt động sở hữu trí tuệ 2016 của Cục Sở hữu trí tuệ, lượng đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp nộp vào cục tăng cao 14,2%; kết quả xử lý đơn sáng chế của người Việt Nam được quan tâm và thúc đẩy. Tuy nhiên, nhận thức về hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả; trong đó, có bản quyền phần mềm vẫn chưa được các doanh nghiệp nhận thức đầy đủ. 

Phản ánh thực trạng vi phạm quyền tác giả và quyền sở hữu trí tuệ, ông Trần Văn Minh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết, hàng năm, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao vào Du lịch đã phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đặc biệt là chương trình máy tính. 

(ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN)

Năm 2017, đã có hơn 2.400 máy tính tại 63 doanh nghiệp phải chấp hành việc thanh tra, kiểm tra theo đơn yêu cầu xử lý xâm phạm quyền tác giả của chủ sở hữu; trong đó, có 54 doanh nghiệp có hành vi sao chép chương trình phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu; xử lý vi phạm hành chính 1,65 tỷ đồng.

Sau khi thanh tra, các doanh nghiệp có hành vi vi phạm buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm, dỡ bỏ các bản sao phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả; đồng thời có biện pháp khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu và mua bản quyền phần mềm máy tính hợp pháp phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. 

Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, Thanh tra của Bộ đã tiến hành thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về quyền tác giả đối với chương trình phần mềm máy tính tại 26 doanh nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính 750 triệu đồng... 

Theo ông Minh, tình trạng vi phạm quyền tác giảm, quyền liên quan vẫn còn diễn ra khá phổ biến; xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu quyền, ảnh hưởng tới hoạt động sáng tạo, sự phát triển kinh tế văn hóa xã hội của đất nước và tiến trình hội nhập kinh tế thế giới. 

Phân tích của các chuyên gia tham dự tọa đàm cho thấy, nguyên nhân dẫn tới tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ chủ yếu là do nhận thức và hiểu biết; đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân còn nhiều hạn chế. Mặc dù, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến trong việc giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm, nhưng theo công bố của Liên minh phần mềm (BSA) thì tỷ lệ vi phạm vẫn ở mức 78% (tính đến năm 2016). 

Vì lẽ đó, ông Minh khuyến nghị, đã tới lúc lãnh đạo các doanh nghiệp cần gấp rút rà soát lại tình hình sử dụng phần mềm tại doanh nghiệp và có hành động kịp thời để tránh những tổn thất nặng nề về uy tín, tài chính cũng như hoạt động của doanh nghiệp nếu một ngày các hành vi vi phạm bị cơ quan chức năng phát hiện. 

Đặc biệt, trong sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc chú trọng tới quyền sở hữu trí tuệ và khoa học công nghệ cần phải được tập trung ưu tiên, đầu tư bởi đây sẽ là yếu tố cốt lõi tạo nên thành công của doanh nghiệp. Việc cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức sẽ giúp doanh nghiệp chủ động bảo vệ những tài sản vô hình, hữu hình và ý thức tuân thủ pháp luật về sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh, chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. 

Liên hệ tình hình thế giới, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng, Cục Sở hữu trí tuệ, cho biết, thực thi quyền sở hữu trí tuệ; trong đó, có thực thi bằng biện pháp hình sự là một trong những nội dung quan trọng trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và là nội dung được đặc biệt nhấn mạnh bởi các đối tác phát triển. 

Thông qua các hiệp định thương mại tự do, các nước phát triển như Hoa Kỳ và Nhật Bản... muốn hướng tới một cơ chế thực thi mạnh mẽ hơn những chuẩn mực được đặt ra trong hiệp định khi liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, các nước phát triển có xu hướng "hình sự hóa" các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ bằng cách mở rộng đối tượng áp dụng biện pháp thực thi hình sự đối với những vi phạm về sáng chế kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh... chứ không chỉ là vi phạm về nhãn hiệu, quyền tác giả cùng các quyền liên quan. 

Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý hình sự cũng có xu hướng được mở rộng. Ông Lâm nêu ví dụ như hành vi xuất nhập khẩu, hành vi xâm phạm bí mật thương mại hay thậm chí quay phim trong rạp... Các quy định này hình sự hóa quan hệ dân sự và có thể xâm phạm cả quyền cá nhân. Chính sự thay đổi này khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát; đặc biệt là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng. 

Ông Lê Ngọc Lâm đề xuất, các cơ quan quản lý Nhà nước cùng các doanh nghiệp sớm tìm ra những cách thức cần thiết để bảo vệ hoặc tự bảo vệ mình; thực thi tốt các quyền sở hữu trí tuệ cũng như tránh những nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự./.

 

Nguồn: Bnews.vn

Cùng chuyên mục

02466566555